Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

Chia sẻ âm nhạc | Phần 3: Nên bắt đầu học nhạc từ nhạc cụ nào trước?


Xin chào các bạn, tiếp tục là mình đây :3 Như trong 2 phần đầu tiên, ta đã hiểu rõ được mục đích cũng như hướng đi khi chúng ta học nhạc. Vậy thì trong phần 3 này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn mục đích học nhạc và cách học nhạc cho những người mới bắt đầu nhé. Bắt đầu thôi =))))

 

Đầu tiên, có rất nhiều bạn thắc mắc khi mới bắt đầu học nhạc mà cụ thể là học nhạc cụ thì nên học nhạc cụ gì để dễ dàng bắt đầu, tiếp cận. Câu hỏi này thực ra rất khó trả lời, tại vì mỗi bạn sẽ có một khả năng, 1 thiên phú riêng cho từng loại nhạc cụ. Có những bạn có khiếu chơi piano, có những bạn lại có khiếu chơi guitar, … Cũng có rất nhiều bạn thấy học Piano dễ, có rất nhiều bạn lại thấy Guitar dễ hơn, … Từ đó sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều khiến ta cảm thấy bị hoang mang, bối rối.

 

Còn theo quan điểm cá nhân của mình, các bạn học nhạc cụ gì không quan trọng, điều quan trọng là bạn cảm thấy hợp với nhạc cụ nào, bạn cảm thấy mình thích chơi và muốn học nhạc cụ nào. Khi bạn xác định được niềm đam mê của mình rồi thì bạn mới có hứng thú để học, điều này còn quan trọng hơn rất nhiều việc “học nhạc cụ nào thì dễ”. Chỉ cần bạn có đam mê và quyết tâm, thì không có việc gì khó cả.

 

Ơ nhưng mà nếu kết bài ở đây thì ngắn quá nhỉ =)))) Vậy nên mình sẽ đưa ra 1 số điểm dễ và khó trên từng loại nhạc cụ để giúp bạn có những cái nhìn khách quan, tổng thể hơn và tìm được cho mình một hướng đi hợp lý nhất nhé :3 Lưu ý, những quan điểm đưa ra trong bài viết này mình viết dựa trên những trải nghiệm cá nhân của chính bản thân mình, điều này thì đối với mỗi bạn có thể khác nhau nên nếu có điều gì muốn đóng góp bổ sung thì cùng nhau góp ý dưới phần bình luận nhé :3

 

    1.    PIANO

Nghe đến Piano, đây có lẽ sẽ là khởi đầu được rất nhiều bạn chọn để bắt đầu học một nhạc cụ gì đó, vậy hãy cùng mình phân tích điểm dễ và khó của nhạc cụ này nhé :3 

a.       Dễ:
Phải công nhận một điều là Piano khá dễ “chơi”. Với “chơi” ở đây là để phát ra âm thanh. Rất đơn giản, bạn chỉ cần dùng lực ấn xuống phím đàn là âm thanh sẽ được vang lên, theo một cao độ cố định được quy định trước đó. Tuỳ vào lực tay mà sẽ có độ to, vang của nốt vang lên là khác nhau (Đối với đàn Piano cơ, một số loại Piano điện). Ngoài ra bạn cũng rất dễ điều khiển, kết hợp được nhiều hợp âm và thoải mái sáng tạo những gì bạn muốn. Bạn chỉ cần học khoảng 3 đến 6 tháng là có thể chơi được nhiều bài hát mình thích theo cả solo, đệm hát, …

b.      Khó:
Nhưng Piano thực chất lại là một nhạc cụ rất khó chơi theo đúng nghĩa. Không phải chỉ vài phím đàn vang lên thì được gọi là biết chơi Piano. Có thể bạn đã từng nghe qua những bản nhạc nổi tiếng rất hay. Nhưng hãy thử 1 lần nhìn vào bản kí âm của những bản nhạc đó, bạn mới thấy người nghệ sĩ biểu diễn được bản nhạc đó là 1 thiên tài. Để đánh Piano thì rất dễ nhưng để chơi được Piano lại là 1 điều rất khó. Để có thể chơi được những bài hát Việt Nam, những bài POP Ballade bây giờ có thể bạn chỉ phải mất hơn 1 tuần tập luyện chăm chỉ. Nhưng để chơi hay thì là 1 điều hoàn toàn khác. Bạn phải biết kết hợp các hợp âm thật thuần thục, kết hợp nhịp nhàng giữa các pedan và nốt nhạc, bạn phải đồng thời điều khiển cả tứ chi để chơi được một bài nhạc hoàn chỉnh, để đạt được điều này sẽ mất rất nhiều thời gian của bạn!

    2.    ORGAN
Thực ra là nên để lên đầu tiên, nhưng nhiều bạn hay nhầm giữa Piano và Organ với cả Piano nghe có vẻ quen hơn nên xếp cái này sau vậy =)))

a.       Dễ:
Thực ra Organ chính là một phiên bản thu nhỏ và cải tiến hoàn hảo của Piano. Piano làm được những gì thì Organ còn làm được tốt hơn thế và còn nhiều thứ Piano chưa làm được nữa :3 Organ còn có nhiều chế độ hỗ trợ chơi, hướng dẫn người mới, rất thuận tiện cho những bạn mới bắt đầu. Phím của Organ nhẹ, dễ chơi, được nhiều người cho là một khởi đầu hoàn hảo trước khi tập Piano

b.      Khó:
Nhưng cũng nhiều người nhầm tưởng rằng chơi được organ thì có thể dễ dàng chơi được Piano. Điều này thì không hẳn là sai, nhưng bạn cũng sẽ mất một thời gian kha khá để tập đấy. Vì phím Organ nhẹ nên khi chuyển sang phím Piano, đặc biệt là Piano cơ, phím của nó sẽ nặng hơn khá nhiều phím Organ, khiến nhiều bạn lần đầu làm quen dễ không bấm được hết phím từ đó có những độ lớn không chuẩn, ảnh hưởng đến quá trình chơi nhạc. Tiếp nữa, Organ có khá ít phím so với Piano, từ đó sẽ khiến nhiều bạn bỡ ngỡ khi sang với Piano, đặc biệt là khi Piano có khá ít chế độ chơi.

Ngoài ra, giá của Piano và Organ nhìn chung còn khá cao đối với nhiều người nên để muốn mua một cây đàn chuẩn để tập và dùng lâu dài còn là một điều khá khó!

    3.    GUITAR (GHI-TA)
Tiếp đến với Guitar, đây là một nhạc cụ khá dễ tiếp cận với giá cả phải chăng, dáng gọn nhẹ dễ mang vác. Và cũng được khá nhiều người chọn để khởi đầu trên con đường âm nhạc của mình

a.       Dễ:
Học Guitar khá đơn giản, bạn nào chăm có khi chỉ cần học 1 tháng là có thể đệm hát được nhiều bài hát mà mình thích, học khoảng 3 đến 6 tháng là có thể chơi fingerstyle, độc tấu nhiều bài hát theo phong cách của bạn rồi :3 Ngoài ra, bạn không phải nhớ các vị trí note, tên note khi đánh hợp âm, điều bạn cần nhớ kĩ là thế tay, cách dùng capo, nguyên tắc đi nốt, nghe cũng có vẻ khá đơn giản phải không nào :3 Ngoài ra các điệu đệm đàn của Guitar theo mình thấy cũng khá dễ tiếp cận, dễ học hơn so với các điệu trong Piano, đây cũng là một lợi thế lớn khi bạn muốn bắt đầu học nhạc cụ

b.      Khó:

Học Guitar nghe trên kia có vẻ các bạn thấy dễ đúng không nào? Nhưng không hẳn, đối với những người bắt đầu học guitar, việc chơi được những thế tay bậc cao là điều khá khó, có một số hợp âm như Fa trưởng dạng đầy đủ, Si trưởng/ Si thứ, Các hợp âm bậc cao, … yêu cầu thế tay chặn khá là khó chơi. Nhưng đây lại là một kĩ năng quan trọng khi bạn muốn chơi Guitar thành thạo, khiến nhiều bạn dễ nản chí khi tập. Tiếp theo, những thế tay, các điệu trong Guitar mặc dù dễ nhớ, nhưng đòi hỏi bạn có nhiều thời gian tập luyện để có thể sử dụng được thành thạo và nghe cho “có vẻ hay”. Tiếp nữa, khác với Piano hay Organ, việc bạn phải chỉnh dây đàn Guitar để lấy lại note chuẩn là khá thường xuyên, với nhiều bạn mới, có thể các bạn sẽ mua dụng cụ đo âm để lên dây cho chuẩn, tuy nhiên trong trường hợp vô tình bạn không lên chuẩn dây sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc nghe cảm âm và nhớ cao độ của note trong quá trình học của bạn. Vậy nên hãy nhớ chỉnh âm trước mỗi lần chơi đàn nhé :3

    4.    Các nhạc cụ dân tộc nói chung
Đây cũng là một sự khởi đầu hoàn hảo cho những bạn muốn bắt đầu, nhưng đòi hỏi bạn phải có một niềm đam mê, một sự cố gắng theo đuổi rất lớn mới có thể thành công!

a.       Dễ:
Thực ra để học nhạc cụ dân tộc cũng khá dễ, đa phần nhạc cụ dân tộc khá dễ để các bạn có thể làm cho phát ra được âm thanh. Đa phần các nhạc cụ như: Sáo, Tiêu, Nhị, … Khá nhỏ gọn và cũng dễ mang vác, phù hợp cho những buổi giao lưu. Thay vì tìm Piano hay lúc nào cũng đeo Guitar trên người thì việc cầm một cây sáo mang theo nhỏ gọn hơn rất nhiều đúng không nào? Hơn nữa, các âm sắc của nhạc cụ dân tộc cũng khá đa dạng, phong phú tuỳ cho bạn lựa chọn. Quan trọng nhất, nhìn chung thì để mua được một nhạc cụ dân tộc đủ để các bạn bắt đầu thì giá cũng không hề cao so với những nhạc cụ khác. Với những loại nhạc cụ như Sáo, Tiêu, … Ngoài ra, để có thể chơi thành thục một loại nhạc cụ dân tộc, các bạn cũng không cần tốn quá nhiều thời gian như những loại nhạc cụ khác. Các bạn cũng không tốn công phải căn chỉnh note trước khi bắt đầu sử dụng, khá dễ dàng với người mới bắt đầu

b.      Khó:
Tuy nhiên để học được nhạc cụ dân tộc thì không phải ai cũng muốn và có đam mê học. Đa phần các nhạc cụ dân tộc chỉ có thể biểu diễn được 1 bè, rất khó để độc tấu trọn vẹn với đầy đủ âm sắc nếu không có sự hỗ trợ bên ngoài (như các nhạc cụ khác tạo nhạc nền, …), thường phù hợp hơn với những dàn hoà tấu, … Tiếp theo, âm thanh của nhạc cụ dân tộc khá kén người nghe và có thể chơi hay được, điều này đòi hỏi bạn phải có một quyết tâm rất lớn. Đúng là khi nghe một dàn hoà tấu nhạc cụ dân tộc sẽ rất hay. Nhưng nếu nghe đơn lẻ từng nhạc cụ sẽ mang lại nhiều cảm giác đơn điệu và một màu, không nghe vui tai và nhiều âm thanh như những loại nhạc cụ khác như Piano hay Guitar, ….

Vậy là qua bài viết này, mình đã đưa đến với các bạn những quan điểm về việc nên bắt đầu với các loại nhạc cụ nào sao cho phù hợp với sở thích của mỗi người. Tất nhiên là còn rất nhiều nhạc cụ khác mình cũng chưa có cơ hội trải nghiệm nên mình không thể đưa ra những đánh giá cho mọi người được. Nếu các bạn có những ý kiến đánh giá, bổ sung thì vui lòng để dưới phần bình luận để mình cùng nhau đóng góp nhé :3 Và điều quan trọng nhất mình muốn nói là: Như lúc đầu mình có nói đấy, không quan trọng bạn bắt đầu từ nhạc cụ nào, điều quan trọng nhất là bạn có được đam mê, quyết tâm với nhạc cụ đó để có thể đem lại những thành công, thành quả tốt trên con đường âm nhạc của mình. Thân ái :3


SHARE THIS

0 nhận xét: